Hành trình phục dựng mùi hương cho lọ nước hoa bị chôn vùi 150 năm dưới đáy biển Bermuda
Đó là món quà xuyên thế kỷ mà một nghệ nhân ở London để lại cho hậu thế.
Tháng 2 năm 2011, sau khi cơn bão khốc liệt ở Bắc Đại Tây Dương quét qua đảo Bermuda, người giám hộ đảo Philippe Max Rouja đang đi một vòng khảo sát trên bờ biển thì đột nhiên phát hiện ra mũi của một con thuyền lộ lên khỏi mặt nước.
Ông thấy nó là một con thuyền cũ đã bị đắm từ lâu, có lẽ cơn bão đã khuấy động đáy biển và đẩy nó trôi dạt vào từ vùng tam giác quỷ. Con thuyền có tên là Mary Celestia từng phục vụ Nội chiến Hoa Kỳ, và bị đắm vào năm 1864 khi đang trên đường tiếp viện cho lực lượng Liên minh miền Bắc Carolina.
Mary Celestia không phải là con thuyền duy nhất bị chìm xuống đáy tam giác Bermuda. Hệ thống đá ngầm phức tạp ở khu vực này đã chôn xác ít nhất 300 con tàu xung quanh hòn đảo, mỗi con tàu lại có một lịch sử và những hiện vật riêng.
Nhưng đây không phải câu chuyện về bản thân con tàu Mary Celestia. Đây là câu chuyện về lịch sử của một công thức nước hoa từng bị chôn vùi theo nó. Một lọ nước hoa đã nằm dưới đáy Đại Tây Dương suốt gần 150 năm. Làm thế nào các nghệ nhân có thể phục chế và làm sống dậy một mùi hương từng được Nữ hoàng Victoria sử dụng?
Một thợ lặn thăm dò xác tàu Mary Celestia bị đắm vào năm 1864.
Lọ nước hoa được tìm thấy trong xác tàu Mary Celestia cùng với vô số kỷ vật của thế kỷ 19. Nó được đóng gói chung với một đôi giày và một chai rượu khiến người ta hình dung ngay về một hộp quà tặng.
Trong suốt 147 năm, trầm tích Đại Tây Dương đã phủ cứng lên chiếc hộp, bảo quản lọ nước hoa dường như một cách nguyên vẹn. Khi các thợ lặn vớt được nó lên khỏi mặt nước, trong lọ nước hoa vẫn còn bong bóng khí, một minh chứng cho thấy nước biển đã không xâm nhập được vào trong.
Trên mặt kính của lọ nước hoa, người giám hộ đảo Rouja thấy một cái tên được khắc: Piesse and Lubin London. Ngay lập tức, trong đầu anh nghĩ ngay đến Isabelle Ramsay-Brackstone, một cô gái sành nước hoa, chủ của một cửa hàng địa phương có tên là Lili Bermuda.
Rouja mang lọ nước hoa tìm được đến đó, và ngay khi nhìn thấy cái tên được khắc, Ramsay-Brackstone biết rằng mình đang cầm trong tay một bảo vật.
"Vào những năm 1800, London khi ấy là một trung tâm của ngành công nghiệp nước hoa. Còn Piesse and Lubin là tên của một nhà nước hoa nổi tiếng trên phố Bond", cô nói. "Đây là loại nước hoa mà Nữ hoàng Victoria sẽ sử dụng".
Một thoáng suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu Ramsay-Brackstone. Cô tự hỏi liệu mình có thể tái tạo lại mùi hương của lọ Piesse and Lubin này không -sau gần 150 năm bị chôn vùi và có thể không còn ai biết đến nó nữa?
Lọ Piesse and Lubin này thuộc về một hãng nước hoa nổi tiếng trên phố Bond, thường được Nữ hoàng Victoria sử dụng.
Theo luật Bermuda, tất cả các cổ vật được tìm thấy từ đáy biển của họ sẽ phải được sung công. Không một ai có thể tư hữu chúng, cổ vật dưới đáy biển được coi là tài sản của chính phủ và họ sẽ đưa chúng vào bộ sưu tập tại Viện thám hiểm dưới nước Bermuda.
Nhưng Ramsay-Brackstone đã xin phép tạm thời giữ lại chai nước hoa để phục vụ mục đích công việc. Cô đã mang nó tới New Jersey gặp một người bạn và cũng là đồng nghiệp trong ngành, Jean Claude Delville.
Delville hiện làm việc cho Drom Fragrances, một công ty nước hoa đa quốc gia lớn. Và quan trọng hơn là ở đó, Ramsay-Brackstone có thể tìm thấy một cỗ máy có tên gọi là sắc ký khí. Cỗ máy này có khả năng đọc được thành phần hóa học của một hỗn hợp có trong không khí.
Về cơ bản, bạn chỉ cần xịt chai nước hoa vào đó, máy sắc ký khí sẽ "ngửi" nó và in ra những dải phổ cho bạn biết chính xác các phân tử nào đang có mặt trong đó. "Cỗ máy này là một thứ gì đó giống với việc đọc DNA", Ramsay-Brackstone nói.
Nhưng mọi chuyện thực sự không đơn giản như bạn nghĩ. Một cỗ máy của con người dù có thần thánh đến đâu, nhưng công thức nước hoa không chỉ là khoa học cứng nhắc. Tính nghệ thuật trong đó là thứ mà sắc ký khí không thể giải mã hoàn toàn được. Đó phải là công việc của những nghệ nhân như Ramsay-Brackstone.
Ramsay-Brackstone, nghệ nhân nước hoa ở Bermuda nghĩ rằng cô có thể phục dựng được mùi hương cho lọ nước hoa 150 năm tuổi.
Sau khi cẩn thận loại bỏ các mảng trầm tích bám bên ngoài lọ nước hoa, Ramsay-Brackstone và Delville mở nắp nó ra để thưởng thức mùi hương. Theo bộ đôi, nó có mùi cam, cam bergamot lẫn với mùi bưởi. Lọ nước hoa cũng có mùi thoang thoảng của hoa và gỗ đàn hương.
Ngoài ra, Ramsay-Brackstone và Delville còn nhận ra một số mùi có thể đến từ chế phẩm động vật, giống như nó được lấy từ chất xạ của những con cầy hương hoặc long diên hương từ đường tiêu hóa của cá nhà táng.
Không giống như hầu hết các loại nước hoa hiện đại, được phân biệt thành mùi hương nữ (có hương hoa hoặc trái cây) và hương nam (có hương gỗ), lọ nước hoa của thế kỷ 19 chứa cả hai. Vào thời điểm đó, các nhà chế tạo nước hoa đã không có sự phân biệt về giới tính.
Sau khi đã ngửi thấy mùi thơm, Ramsay-Brackstone và Delville nhúng một que thuốc vào chất lỏng và đặt nó vào máy sắc ký khí. Không lâu sau, cỗ máy đã hoàn thành việc đọc phân tử và tạo ra một bản in: Một danh sách các hydrocarbon, axit và một số loại hóa chất khác.
Vậy là một phần công việc đầu tiên đã xong, Ramsay-Brackstone và Delville đã có được công thức khoa học của loại nước hoa. Về cơ bản, họ chỉ cần có đủ các chất hóa học này rồi trộn chúng vào với nhau theo tỷ lệ mà cỗ máy đã đọc ra là đã có thể phục chế được lọ nước hoa 150 tuổi.
Nhưng có được các chất hóa học này không phải việc dễ. Công việc của các nghệ nhân nước hoa là phải dịch được các hợp chất và tỷ lệ của chúng sang những thành phần tự nhiên mà một nhà sản xuất nước hoa khai thác được. Và việc này thì khó hơn nhiều.
Ramsay-Brackstone và Delville đã cố gắng tìm kiếm trong biên niên sử nước hoa những mùi hương mà Piesse and Lubin đã tạo ra. Một trong hai người đồng sở hữu hãng nước hoa nổi tiếng này là Septimus Piesse, một nhà hóa học.
Trong cuộc đời mình, Septimus Piesse đã dày công ghi chép lại những mùi hương mà ông tạo ra và cách thực hiện chúng. Chỉ có điều, những hồ sơ của Septimus Piesse có thể đã bị hủy hoại hoặc biến mất mà không thể tìm lại được nữa.